hcm_2_1

GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH LỮ HÀNH KHÁCH SẠN THỜI COVID Ở CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI – DỊCH VỤ - ĐẦU TƯ VIETIN (VIETIN COSECO)

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang gặp bộn bề khó khăn vì đại dịch Covid 19 thì hơn bao giờ hết đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh lại tỏa sáng, là kim chỉ nam soi đường chỉ lối cho các doanh nghiệp Việt Nam vững vàng và tự tin bước tiếp trên con đường của mình. Ở Vietin Coseco cũng vậy, việc tuyên truyền, giáo dục, nhận thức và vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang phát huy hiệu quả trong từng hoạt động kinh doanh của Công ty, đặc biệt là lĩnh vực lữ hành khách sạn – vốn đang chịu nhiều khó khăn áp lực nhất hiện nay.
Vậy đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh là gì ?
Trong một bài viết đăng trên báo Cứu Quốc số ngày 30-5, 31-5, 1-6 và 2-6 năm 1949, ngay ở phần mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
“Trời có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông,
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người”.
Qua đó cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao 4 đức CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH như điều kiện cần đối với mỗi người trong đời sống và hoạt động. Nội dung của 4 đức tính ấy rất giản dị, dễ hiểu, dễ thuộc. Theo Người:
CẦN “là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”; “cần thì việc gì, dù khó khăn đến mấy, cũng làm được”, bởi “Cần chẳng những có nghĩa hẹp như: Tay siêng làm thì hàm siêng nhai” mà còn “có nghĩa rộng là mọi người đều phải Cần, cả nước đều phải Cần”. Hiểu đúng về Cần nghĩa là luôn chăm chỉ, cố gắng không phải một sớm một chiều mà thường xuyên và liên tục. Hiểu sâu sa hơn thì Cần cũng có nghĩa là làm để nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc lâu dài, để đạt được mục đích đề ra.
KIỆM “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” và không phải là bủn xỉn. Trong đó, Cần phải đi đôi với Kiệm “như hai chân của con người”; vì “KIỆM mà không CẦN thì không tăng thêm, không phát triển”. Tiết kiệm về vật chất phải đi đôi với tiết kiệm về thời giờ, bởi “của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được”. Vì thế, thời giờ cần tiết kiệm và đó cũng là Cần; “tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người”, cũng giống như “khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là Kiệm”. Đặc biệt, muốn tiết kiệm tốt thì phải khéo tổ chức, vì “không iết tổ chức thì không biết tiết kiệm” và phải “kiên quyết không xa xỉ”. 
LIÊM “là trong sạch, không tham lam”, “không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá”. “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM”. Chữ LIÊM phải đi đôi với chữ KIỆM, cũng như chữ KIỆM phải đi đôi với chữ CẦN, vì “có KIỆM mới LIÊM được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam”. Tham lam sẽ dẫn đến BẤT LIÊM. Một dân tộc biết CẦN, KIỆM, biết LIÊM là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”
CHÍNH “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. “CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc của CHÍNH. Nhưng một cây cần phải có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn”. Để là CHÍNH, mỗi người, ĐỐI VỚI MÌNH, phải “chớ tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập, cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình”, vì “tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không CHÍNH, mà muốn người khác CHÍNH là vô lý”. ĐỐI VỚI NGƯỜI, “phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ, chớ nịnh hót người trên, chớ coi thường người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ Bác - Ái”. ĐỐI VỚI VIỆC, “phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà”, “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”; “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không. Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. 

Vietin Coseco đã tuyên truyền, giáo dục, vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong  thực tiễn hoạt động lữ hành khách sạn của Công ty như thế nào?
Đứng trước giai đoạn lịch sử như hiện nay, hoạt động lữ hành khách sạn của Công ty gặp muôn vàn khó khăn, áp lực, khi mà khách hàng truyền thống của Công ty chủ yếu là cán bộ nhân viên VietinBank đi công tác và du lịch nước ngoài và khách du lịch đến từ Mỹ, Hàn Quốc và Nga. Không thể khoanh tay đứng nhìn công việc đi dần vào bế tắc hay đắng lòng sa thải nhân viên như một số doanh nghiệp khác buộc phải làm, Chi bộ và lãnh đạo Vietin Coseco đã trăn trở và xác định rằng, khó khăn và thuận lợi là hai mặt đối lập trong mọi hoạt động kinh doanh. Đại dịch Covid 19 là một khó khăn mới, thay vì sợ hãi và đầu hàng, Công ty cần tìm cách sống chung, vượt qua khó khăn, biến NGUY thành CƠ. Đây là lúc, mỗi cán bộ, Đảng viên trong Công ty cần nêu cao tinh thần, trí tuệ, vận dụng sáng kiến, cải tiến, nghiên cứu, thử nghiệm các loại hình, sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp hơn, xâm nhập thị trường ngách đáp ứng nhu cầu của khách hàng, củng cố và phát triển các mối quan hệ với khách hàng và đối tác, đồng thời không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao văn hóa doanh nghiệp và đoàn kết nội bộ, trang bị sẵn sàng lực lượng lao động tinh nhuệ, mạnh cả về chất và lượng sẵn sàng cho mọi tình huống. Ngay trong thời gian mới bùng phát dịch, thực hiện giãn cách xã hội và chưa triển khai được ngay các hoạt động kinh doanh, Công ty đã định hướng chuyển dịch cơ cấu, mô hình hoạt động; đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng các gói sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng trong nước phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tiễn để đón đầu các cơ hội, có thể tung ra thị trường ngay khi có thể (như gói sản phẩm Chào hè; Du thuyền 5* trên Vịnh; Về nguồn – nhân tháng tri ân các thương binh, liệt sỹ; Nghỉ dưỡng tại Khách sạn Sammy với giá cực kỳ ưu đãi cho cán bộ nhân viên VietinBank; Các tour du lịch kết nối với Đà Lạt – nơi Công ty đang sở hữu và vận hành 2 khách sạn; Tour tuần trăng mật cực kỳ hấp dẫn và thú vị dành cho các đồng nghiệp trẻ VietinBank tại khách sạn Sammy – Đà Lạt; Tour Chào Mùa lúa chín/Mùa tam giác mạch; Tour khám phá vùng Tây Bắc kỳ thú; Voucher nghỉ dưỡng ưu đãi của Vinpearl…); chủ động tìm kiếm, làm việc và lựa chọn các đối tác có uy tín và chất lượng để hợp tác; xây dựng, hoàn thiện và phát triển website của Công ty (www.vietincoseco.vn); định vị và mở rộng phân khúc khách hàng; xây dựng và triển khai các chính sách marketing, bán hàng (quảng cáo theo kênh email nội bộ của VietinBank, gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nội bộ và bên ngoài, thông qua các mối quan hệ công tác, cá nhân… ); xây dựng các chính sách giá cả phù hợp, linh hoạt. Đồng thời, Công ty chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ, động viên nhân viên tham gia các khóa học nghiệp vụ thông qua hình thức học online, tranh thủ học văn hóa doanh nghiệp và văn hóa ứng xử với khách hàng, đối tác… để chuẩn bị về lâu dài một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, vững về nghiệp vụ, chuẩn mực về văn hóa, tác phong và đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả các hoạt động kinh doanh ngay khi có thể.
Lúc này, hơn lúc nào hết Công ty luôn nhắc nhở từng Đảng viên, cán bộ và nhân viên cần phát huy cao độ tinh thần tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Bởi, không ai có thể biết bao giờ dịch bệnh mới kết thúc trong lúc tiềm lực của Công ty, của xã hội đều có hạn. Nhu cầu về nhân lực, vật lực, về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men, lương thực thực phẩm … rất lớn. Vậy nên, mỗi cá nhân, đặc biệt là các Đảng viên trong Công ty nói chung, bộ phận kinh doanh lữ hành, khách sạn nói riêng cần nêu cao tinh thần tiết kiệm, nâng cao hiệu suất đầu tư, rà soát, tiết giảm chi phí, hạn chế các khoản chi tiêu, đầu tư chưa cần thiết, quản lý chặt chẽ việc sử dụng các tài sản công, văn phòng phẩm, điện nước, tận dụng tối đa 8 giờ làm việc chính thức, xây dựng, phân công và triển khai công việc một cách khoa học để đảm bảo hiệu quả hoạt động, bảo vệ, nâng cao sức khỏe và tái tạo sức lao động. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Công ty hoàn toàn đóng chặt hầu bao. Các khoản đầu tư để duy trì và phát triển kinh doanh vẫn cần được chú trọng và hoạch định một cách bài bản, đồng thời Công ty cũng quan tâm tới các hoạt động chung tay vì cộng đồng phòng chống dịch bệnh. Được sự ủng hộ và động viên của cấp ủy, Chủ sở hữu và bằng sự chủ động và cố gắng từ nội lực, mảng hoạt động kinh doanh lữ hành và khách sạn của Công ty đã và đang thực hiện chữ KIỆM có hiệu quả, với phương châm 3 KHÔNG: KHÔNG LÃNG PHÍ (thời gian, nhân lực, vật lực), KHÔNG VÔ NGHĨA và KHÔNG ĐỂ AI PHẢI Ở LẠI PHÍA SAU.
Trong điều kiện bình thường, sự trong sạch, không tham lam vốn được đề cao trong phẩm cách của mỗi cán bộ, đặc biệt là mỗi Đảng viên. Thời kỳ khó khăn như hiện nay, bản lĩnh chính trị của từng người càng được thử thách và làm nên giá trị, thương hiệu của mỗi cá nhân và của doanh nghiệp. Nhận thức được điều này, Chi bộ và trực tiếp là lãnh đạo Công ty luôn nhắc nhở, tuyên truyền Đảng viên, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn phải giữ mình, không tham vàng, bỏ ngãi, không đục nước béo cò, không vì một chút lợi lộc nhỏ mà bán rẻ lương tâm hay uy tín của Công ty, lửa thử vàng, gian nan thử sức. Song song với việc tuyên truyền, giáo dục, Công ty cũng áp dụng, nghiên cứu và cải tiến các biện pháp giám sát, theo dõi và đánh giá hoạt động để đảm bảo hạn chế tối đa những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến chữ LIÊM, như nâng cấp phần mềm quản lý khách sạn, cơ chế báo cáo, kiểm tra chéo với khách hàng, đối tác…
Thời khắc khó khăn là lúc thử lòng người một cách toàn diện. Đây chính là thời điểm Đảng viên, cán bộ bộc lộ rõ nhất bản chất, gốc rễ của mình. Tuy nhiên, tuyên truyền, giáo dục đức thanh LIÊM, CHÍNH trực không phải một sớm, một chiều mà cần cả một quá trình. Trong các cuộc họp Chi bộ, họp giao ban hàng tuần, hàng tháng và các buổi trao đổi riêng, các Đảng viên, cán bộ, nhân viên đều được khuyến khích, động viên nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tác phong, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần cầu thị, phê bình và tự phê bình mang tính xây dựng, chịu trách nhiệm với lời nói và việc làm. Để có kết quả, trước hết đội ngũ lãnh đạo Công ty, lãnh đạo bộ phận và các Đảng viên đã nêu cao tinh thần tiên phong, ý chí quyết tâm thể hiện vai trò người đứng mũi chịu sào và nòng cốt của tổ chức để làm gương và truyền lửa cho nhân viên, không sợ hiểm nguy, gian khó, quyết liệt trong suy nghĩ, chỉ đạo và hành động để giải quyết dứt điểm và hiệu quả công việc, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay trách nhiệm cho người khác, yêu thương và chia sẻ với đồng nghiệp, không nịnh nọt, bợ đỡ cấp trên, coi thường, trục lợi cấp dưới.
Dịch bệnh chưa biết bao giờ kết thúc, hoàn cảnh có thể thay đổi nhưng có điều chắc chắn rằng đích cuối của những người làm công tác lữ hành, khách sạn tại Vietin Coseco nói riêng và toàn thể Đảng viên, cán bộ và nhân viên Vietin Coseco nói chung là hoàn thiện mình theo chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh với đầy đủ phẩm chất CẦN-KIỆM-LIÊM-CHÍNH vì mục tiêu xây dựng và phát triển Công ty ngày càng lớn mạnh, nâng cao uy tín và thương hiệu của VietinBank.

 

Thân Thị Lan
Phó Bí thư Chi bộ

Ý kiến bạn đọc