Bieu_do_ve_su_anh_huong_cua_dich_Covid

Du lịch là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới và quan trọng với nền kinh tế toàn cầu, với doanh thu 5,7 nghìn tỷ USD, tạo ra khoảng 319 triệu việc làm mỗi năm; là ngành đang phải chịu một cú sốc tồi tệ do virus SARS-CoV-2. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, “ngành công nghiệp không khói” ước tính tổn thất 300-450 tỷ USD đối với hoạt động du lịch quốc tế trong năm 2020, tương đương gần 1/3 trong số 1.500 tỷ USD mà ngành này thu được vào năm 2019; trong khi Sars ( 2003) sụt giảm doanh thu du lịch là 50 tỷ  USD, khủng hoảng tài chính ( 2009) là 88 tỷ USD.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các “cường quốc” về du lịch cũng như các điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới đều phải trải qua cơn khủng hoảng chưa từng thấy. Các địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới ngày thường vốn đông đúc nay trở nên không bóng người qua lại.

Theo Tổ chức Du lịch và lữ hành thế giới, nhằm hỗ trợ ngành du lịch vượt qua khủng hoảng bởi COVID-19, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã và đang áp dụng nhiều chính sách nhằm hỗ trợ ngành du lịch của họ đối phó với đại dịch COVID-19 như Tây Ban Nha, Italia, Anh, Pháp, Singapore, Hồng kông, Philippin.

Tổ chức Du lịch và lữ hành Thế giới cũng kêu gọi chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho ngành du lịch theo 3 trọng tâm: Trợ giúp tài chính để đảm bảo thu nhập của hàng triệu người lao động đang gặp khó khăn; Mở rộng các khoản vay không giới hạn và không tính lãi cho các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ để ngăn chặn sự phá sản hàng loạt. Các khoản thuế và phí đối với doanh nghiệp du lịch cần được miễn trừ với hiệu lực ngay lập tức trong ít nhất 12 tháng tới. Thứ ba, kích thích thanh khoản và lưu chuyển tiền mặt: kích thích tính thanh khoản và dòng tiền để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cũng như cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong ngành./.

Tại Việt Nam, ảnh hưởng của dịch Covid – 19 tới ngành du lịch là không thể tránh khỏi.

Tác động đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc -thị trường khách du lịch lớn nhất, chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019 vào Việt Nam. Các thành phố du lịch nổi tiếng trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì không có khách đến. Tại các thành phố lớn, nhiều cuộc họp, hội nghị cũng bị trì hoãn để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, dẫn tới sự sụt giảm đáng kể lượng khách du lich kết hợp hội nghị, hội thảo.

Hàng loạt các công ty lữ hành, các hãng hàng không, các cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bị thất thu, đứng trước nguy cơ phá sản,  tạm dừng hoặc chuyển hướng hoạt động kinh doanh, hàng nghìn nhân viên hàng không có khả năng thất nghiệp. Các doanh nghiệp du lịch hiện đang phải gồng mình vừa phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh.

Ước tính đến đầu tháng 3/2020, thiệt hại đối với ngành du lịch Việt Nam là khoảng 7 tỷ USD.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ hàng loạt các giải pháp như chính sách kích cầu du lịch, đảm bảo sự tham gia hiệu quả của toàn ngành Du lịch cũng như các Bộ, ngành liên quan; xây dựng chính sách và đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch giảm thiểu khó khăn, thiệt hại, giúp doanh nghiệp du lịch phục hồi, góp phần đưa ngành Du lịch dần trở lại với hoạt động bình thường.

Đến thời điểm hiện tại, việc kiểm soát dịch tại Việt Nam có thể nói là thành công, nhưng những tác động của dịch Covid - 19 đến nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng chưa dừng lại, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp và các cá nhân cùng nỗ lực hơn nữa vào việc phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế bền vững.

 

Nguồn : Tổng hợp.

 

Ý kiến bạn đọc